Chris đặt câu hỏi:

 

Ca sĩ Kuribayashi Minami – được biết đến với các bài hát anime, là diễn viên lồng tiếng cho Rumbling Hearts và visual novel Muv-Luv, vừa thừa nhận trên trang blog rằng cô đã có một bé trai và cô hiểu rằng “vì thông báo này, cần phải bắt đầu lại từ con số 0.”

(http://fast.animenewsnetwork.com/news/2015-07-06/singer-minami-kuribayashi-reveals-that-she-has-a-son/.90150)

Tình huống này tệ đến mức nào, vấn đề của người Nhật với chuyện này là gì?

 

So với những mảng khác của văn hóa giải trí, vai trò xã hội của ca sĩ thần tượng ở Nhật Bản khác biệt với các nước phương Tây đến mức mà tôi nghĩ những fan anime ở phương Tây cũng không hoàn toàn hiểu được. Chúng ta xem họ là ca sĩ, so sánh họ với những cô gái trẻ trung quyến rũ trình diễn trên TV ở nước chúng ta: như Taylor Swift và Justin Bieber,… Chúng ta theo dõi anime về những cô bé mơ ước trở thành ca sĩ thần tượng và đánh đồng nó với giấc mơ của những cô bé ở nước chúng ta.

 

Nhưng nó không hề giống nhau. Trong xã hội phương Tây, fan xem nghệ sĩ là thiên tài âm nhạc. Họ hát, nhảy, tham gia biểu diễn. Vài người trong số đó trở nên nổi tiếng đến mức họ trở thành tâm điểm của paparazzi và các loại tin lá cải. Tuy nhiên, vai trò chính của họ vẫn là âm nhạc, chỉ cần họ thực hiện tốt điều đó, những việc khác không quan trọng. Những fan nhỏ tuổi và quá khích có thể coi họ là người yêu trong mơ, nhưng điều đó không quá nghiêm trọng.

 

Tại Nhật và đa số các nước châu Á, vai trò trên phần nào bị đảo ngược. Vai trò của thần tượng gần giống như quán quân của cuộc thi sắc đẹp: họ thuộc về ngành công nghiệp buôn bán những giấc mơ. Ở đây, sản phẩm là ảo tưởng về một con người đáng yêu, lý tưởng luôn ở bên bạn – các fan. Thần tượng bị cấm hẹn hò vì chỉ cần một từ rò rỉ ra ngoài sẽ phá nát ảo tưởng họ chỉ DÀNH RIÊNG CHO BẠN. Tương tự, đời sống tình dục, việc sử dụng chất cồn hay bất kì thứ gì được coi là ‘không sạch sẽ’ đối với những fan ôm ấp hình tượng con búp bê bé nhỏ, ngây thơ, hoàn hảo sẽ hủy hoại ảo tưởng đó, khiến thần tượng trở thành thứ vô giá trị.

Âm nhạc chỉ đứng thứ 2. Vì thế rất nhiều thần tượng gần như không có khả năng thanh nhạc và nhà sản xuất không quá đầu tư vào phần ‘nghe’ như phần ‘nhìn’. Vì họ phải dễ tiếp cận, những nhược điểm nhỏ phải trở thành nét đáng yêu riêng và góp phần vào ảo tưởng họ luôn sẵn sàng đồng hành bên một tâm hồn cô đơn.

 

Bạn có thần tượng lớn cũng như có thần tượng nhỏ chỉ nổi tiếng trong khu vực của họ. Phần lớn thể loại của văn hóa pop Nhật phục vụ cho fan cuồng với ý tưởng gây dựng một nhóm otaku nhỏ, cuồng nhiệt và lôi kéo họ tiêu thụ càng nhiều sản phẩm càng tốt. Mỗi CD đơn được tái bản, mỗi poster, mỗi cuốn sách ảnh, DVD của thần tượng xuất hiện khắp mọi nơi trong trang phục bắt mắt, miệng ngậm kẹo. Fan chân chính đúng nghĩa sẽ tham gia đầy đủ mọi concert trên sân thượng của cửa hàng bách hóa, xếp hàng trong mỗi buổi giao lưu, xin chữ kí mỗi khi có cơ hội. Tương tự với các loại đĩa Blu-ray anime đắt đỏ, chỉ cần vài ngàn otaku trong lượng fan đó để công cuộc buôn bán sinh lợi nhuận.

 

Đó là lí do thông báo của Kuribayashi về việc có con gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp của cô. Dù hình ảnh của cô không hoàn toàn theo xu hướng trong sáng dễ thương thì việc này đã đủ để khoét một lỗ lớn lên hình ảnh mà cô xây dựng nhiều năm nay và làm ô uế hình ảnh mà fan cuồng của cô đã dựng nên. Nhiều khả năng cô sẽ bị tẩy chay khiến sự nghiệp đi đến hồi kết thúc — trừ khi cô bắt đầu lại từ đầu, đổi mới bằng hình ảnh chân thật và thực tế hơn. Câu hỏi lớn nhất hiện giờ là liệu otaku có chấp nhận điều đó? Hay họ thích theo đuổi hình tượng cô gái hoàn mĩ không có thật, hoàn toàn không dính líu đến tin đồn yêu đương?

 

Vấn đề ở đây là những thần tượng cũng chỉ là con người, họ cũng có đời sống tình cảm, nhu cầu tình dục, thói quen xấu và mùi cơ thể như chúng ta vậy. Hình ảnh ‘thần tượng’ là hoàn toàn phi thực tế, duy trì ảo tưởng gây khó khăn cho nghệ sĩ và đưa ra những kì vọng vô lí về sự thuần khiết. Tuy nhiên, nếu nhiều người đem lòng ngưỡng mộ ai đó, ai đó cần phải tương đối đặc biệt: họ phải có uy tín nhất định về đạo đức. Và nếu ai đó muốn trở thành thần tượng, họ phải sẵn sàng hi sinh rất nhiều, phải chấp nhận từ bỏ bất kì điều gì cần thiết để nhận được tình cảm của các fan.

 

Tôi không ủng hộ hay phản đối những điều trên, nhưng đủ để nói tôi không hiểu sức hấp dẫn của việc làm một thần tượng hay làm một fan cuồng của thần tượng. Việc gì cũng phải biết tiết chế. Nhưng đó không phải là cách nền kinh tế truyền thông Nhật Bản vận hành.

 

Nguồn: ANN



Đề tài:

Back To Top