Matt B hỏi:

Tôi muốn biết liệu có phải tất cả các phim có ghi “The Motion Picture” thì đều là phim chiếu rạp Nhật không? Thường thì tôi thấy chất lượng của chúng cũng chỉ tương tự như các OVA thôi.

Thật trùng hợp khi bạn hỏi vậy, tôi cũng mới giỡn với bạn tôi về chuyện này cách đây không lâu. “The Motion Picture” là một khái niệm đã khá cũ và lỗi thời rồi. Các bộ phim chính thống hầu như đã ngừng sử dụng cụm từ này từ rất lâu.

Trong một vài trường hợp, đây là cách người ta dịch tên các bộ phim Nhật có chứa cụm “Gekijouban” (劇場版) trong tựa đề. Từ “Gekijouban” dịch ra có nghĩa là “Bản chiếu rạp”, và hầu hết chúng được đặt cho các bộ phim làm dựa trên các sản phẩm đã có. Thường thì có thể dịch cụm từ này thành “The Movie (Bộ phim)”, nhưng cách dịch thành “The Motion Picture” cũng hợp lý. Cách dịch này đã được sử dụng thường xuyên bởi ADV Films và các công ty con, có thể điểm qua như Air: The Motion Picture, RahXephon: The Motion Picture và Samurai X: The Motion Picture.

Có vẻ như người đặt tên cho các bộ phim tại ADV/Sentai đã hơi ám ảnh với cụm từ này. Ngay cả khi bản gốc tiếng Anh của bộ phim đó đã có ghi “The Movie” thì họ vẫn đặt tên cho bộ phim thành “The Motion Picture” (You’re Under Arrest: The Motion Picture); hay như khi trong tựa đề phim gốc không có từ nào như thế thì họ vẫn cứ dùng. (Loups=Garous – The Motion Picture) Hơn nữa, họ còn dùng nó để đặt tên cho 2 phần OVA được tách ra có độ dài tương tự như một bộ phim (Tekken: The Motion Picture). Họ còn dùng nó cho các phim lẻ chiếu trên TV nữa (City Hunter: The Motion Picture). Thực tế thì lần duy nhất tôi thấy có người sử dụng cụm từ này, ngoại trừ ADV/Sentai, cũng chỉ có người Nhật mà thôi (Garou Densetsu/Fatal Fury: The Motion Picture).

Tại sao họ lại nghiện dùng cụm từ này đến vậy? Có lẽ vì họ cảm giác nếu chỉ gọi nó là phim thôi thì chưa đủ. Có lẽ vì khi tung ra bộ phim, số lượng khán thính giả họ muốn nhắm tới rộng hơn so với số lượng khán thính giả xem anime, và với cách gọi nó là “The Motion Picture” thì người xem sẽ coi trọng bộ phim hơn và không coi nó là phim dành cho trẻ con nữa! Hơn nữa, nếu chỉ dùng “Movie” thì sẽ không hợp lý lắm nếu bộ phim không được công chiếu trên các rạp, còn sử dụng “The Motion Picture” thì sẽ có thể bao quát bất kể loại phim giải trí nào, từ phim 3D cho đến tranh hình.

Theo góc nhìn của tôi, những điều trên khá thừa thãi. Đối với tôi, cụm từ này thuộc về quãng thời gian khoảng những năm 1940 – 1950, khi mà ngành công nghiệp điện ảnh vẫn còn đang đấu tranh cho một bậc nghệ thuật cao hơn nữa. Cảm giác dùng cụm từ này có hơi đòi hỏi và cũ kỹ, như kiểu người đặt tên đang cố gồng lên và vì thế đã quên mất điểm quan trọng nhất của việc đặt tên. Thực ra tôi sẽ càng cảm thấy thiếu nghiêm túc hơn với những bộ phim có cụm từ đó trên tiêu đề. Kiểu, khi thấy từ đó ở khắp mọi nơi, từ Samurai Shodown: The Motion Picture đến Lady Death: The Motion Picture. Tôi đoán chắc rằng ai đó trong bộ phận tiếp thị của công ty họ sẽ nói, tôi chỉ là một kẻ ngoại ngành thôi, chả hiểu gì. Vì thế nên chắc là tôi sẽ dừng ở đây và chuyển qua một chủ đề khác thú vị hơn.



Đề tài: ,

Back To Top